Một Số Vấn Đề Dịch Văn Thơ Lý Trần

line
Phần II: Ứng Dụng

Tóm tắt:

Trong phần lý thuyết ở bài Một Số Vấn Đề Dịch Văn Thơ Lý Trần (phần I) in trên Tạp chí Khoa Học Đại Học Văn Hiến Số 05 (11/2014) tác giả đã mô tả sự phát triển và hình thành của dịch thuật học từ thời cổ đại ở Châu Âu đến nay. Để minh chứng cho lý thuyết trên, trong phần ứng dụng này, tác giả mô tả quá trình dịch thuật và một số thao tác trên cơ sở dịch thơ Lý-Trần làm ví dụ. Đây là một quy trình gồm nhiều thao tác xuyên thấm vào nhau được xem là nền tảng trí thức cũng như kỹ năng người dịch. Để chuẩn bị cho công tác dịch thuật, đầu tiên người dịch nên chuẩn bị các phương tiện cần thiết như từ điển, tài liệu về lịch sử và văn học thời Lý-Trần. Tiếp theo dịch giả nên đọc tài liệu về tiểu sử các tác giả và bối cảnh hình thành tác phẩm mà người dịch định chuyển ngữ. Để dịch sát, đúng cần phải hiểu sâu về lý thuyết thể loại. Đây là công việc hết sức quan trọng cho việc chuyển ngữ phù hợp bản chất thẩm mỹ của thể loại. Trong quá trình chuyển dịch, người dịch sẽ gặp một số khó khăn: những từ hoặc khái niệm khó hiểu và khó dịch, nhất là đối với người đọc di biệt về văn hóa, một số vần đề về thời đại có liên quan. Nhiệm vụ của dịch giả là tìm cách khắc phục những điều khó khăn để chuyển ngữ tối ưu tác phẩm.

Từ khóa: quá trình dịch, dịch giả, văn học, thơ Lý-Trần, từ điển, tài liệu tham khảo, bồi cảnh lịch sử, tác giả và thơ.

 

Abstract:

In the theoretical part of the paper, published in the Journal Of Science of the Van Hien University, No. 5, 11/2014, the author has described the development and formation of translation studies in Europe from ancient times until now. In order to proof the above mentioned theoretical foundation, in this practical part the author describes the process of translation taking the translations of poems of the Ly Tran time as an example. This is a procedure which consists of several operations that penetrate each other and are regarded as basis of the intellectual knowledge and skill of the translator. In order to prepare the translation, in the beginning the translator has to prepare the necessary means of translation such as dictionaries, material about the history as well as the literature of the Ly Tran time. The next step is that the translator should familiarize himself with the historical characteristics of that time as well as he should read materials about the poets he is about to translate and the background of their poems respectively. To achieve a accurate translation the translator shall also analyze the poems literarily before translating them. During the process of translation the translator will face problems, such as words or ideas that are hard to understand and, especially by readers with a different cultural background, and therefore not easy to translate, as well as historical circumstances related to the poem. It is the translators task to find ways to overcome these problems in order that in the end the reader will have at least a relatively perfect translation.

Key words: translation process, translator, literature, poems of the Ly Tran time, dictionary, references, historical background, Background of authors and poems.

Lời Mở Đầu

Năm 2005 NXB Văn Hóa Sài Gòn cho phát hành tập Thơ Thiền Lý Trần tuyển chọn do nhà thơ Nguyễn Duy làm chủ biên [5]. Tập thơ gồm 30 bài do các thiền sư, quốc sư và nhà vua sáng tác từ thế kỷ X đến thế kỷ XV. Những bài thơ trong tập được chọn và thực hiện dựa trên văn bản gốc là công trình nghiên cứu kéo dài 20 năm Thơ Văn Lý Trần (3 Tập), được in và xuất bản năm 1977 - 1978, do GS. Nguyễn Huệ Chi làm chủ biên [6].

Năm 2006 nhà thơ Nguyễn Duy có nhã ý nhờ tác giả bài này dịch 30 bài thơ đã được tuyển trên trong tập Thơ Thiền Lý Trần (do GS. Nguyễn Huệ Chi chủ biên) sang tiếng Đức. Vì nhiều lý do khách quan, đến năm 2013 bản dịch mới được xuất bản dưới tên Der Körper des Menschen gleicht einem Blitz. Zen-Gedichte und –Weissheiten aus Vietnam [11]. (Thân như điện ảnh.[1] Thơ thiền và trí tuệ Việt Nam.) Cần phải nói thêm, việc chuyển ngữ này xuất phát từ góc nhìn của người dịch vốn không phải là người Việt sang ngôn ngữ Đức (của người dịch). Vì vậy, người dịch trung thành với cách nhìn bên ngoài (khác với cách nhìn người bản ngữ) và chắc sẽ có chỗ khác với người Việt dịch sang tiếng Đức.

Trong bài này chúng tôi xin trao đổi một số vấn đề về việc ứng dụng lý thuyết dịch thuật qua thao tác dịch thơ thiền đời Lý – Trần.

Quy Trình Chuyển Ngữ Tác Phẩm

Để thực hiện quá trình chuyển dịch một tác phẩm văn học từ một ngôn ngữ này sang một ngôn ngữ khác, người dịch cần phải tiếp cận nhiều yếu tố ngoài văn bản liên quan đến tác phẩm đó với mục đích hiểu sâu về bối cảnh lịch sử, xã hội, văn hóa, thể loại văn và nội dung tác phẩm, cũng như tác giả của tác phẩm trước khi thật sự cầm bút dịch. Việc tìm hiểu sẽ có hạn chế nhất định khi một số vấn đề thuộc lĩnh vực tâm thức văn hóa đối với người ngoại quốc rất khó cảm nhận tinh tế qua cách thức biểu đạt của các tín hiệu nghệ thuật ngôn từ. Vì vậy để có một nền tảng văn hóa cần thiết, cần một số công cụ được tiến hành theo một quy trình nhất định.

  1. Bối cảnh lịch sử, xã hội và nền văn hóa của sự ra đời tác phẩm. Đây là khấu tiếp cận thứ nhất vốn được xem là thao tác trong việc tìm hiểu tác phẩm. Đối với dịch giả là người nước ngoài, việc tìm hiểu các nhân tố văn hóa lịch sử cần sự hỗ trợ của tri thức ở nhiều lĩnh vực khác nữa.
  2. Xác định các vấn để dịch như đối tượng tiếp nhận, hình thức chuyển tải nội dung và những phương tiện hỗ trợ như: từ điển tổng hợp, từ điển chuyên môn cần thiết theo nhu cầu cụ thể về nội dung tác phẩm, trợ giúp từ trên mạng internet, tài liệu tham khảo về lịch sử, xã hội v.v..
  3. Tác phẩm:
-          Tiểu sử tác giả của tác phẩm. Thông thường, người nghiên cứu chỉ cần biết một số thông tin về tiểu sử tác giả là đủ. Khi dịch lại cần tìm hiểu sâu hơn ở một số khía cạnh khác như tính cách… Nhờ đó người dịch có thể chọn từ ngữ thẩm chí phù hợp với khẩu khí của tác giả.

-          Phân tích tác phẩm theo thể loại văn học.

-          Những đặc điểm khó khăn trong quá trình dịch.

Những định hướng công tác trên sẽ được diễn giải cụ thể vào ý đồ người dịch khi hướng đến một ngôn ngữ và nền văn hóa cụ thể. Tuy nhiên còn một vấn đề khác cũng khá phức tạp là người Đức sẽ tiếp cận như thế nào về thông tiệp tác phẩm. Cần phải có một cách tiếp cận tương đồng về phương diện ngôn ngữ và những chia sẻ về cảm thụ cuộc sống dưới góp độ nhân loại. Dưới đây xin đi vào trường hợp dịch thơ Lý - Trần ra tiếng Đức, cho người Đức đọc để hiểu một hiện tượng văn học thuộc nền văn hóa Á Đông.

 

  1. Bối Cảnh Lịch Sử, Xã Hội Và Nền Văn Hóa Thơ Thiền Lý – Trần Việt Nam
Trước hết vấn đề niên đại và đặc điểm lịch sử xã hội được xem là bối cảnh ra đời. Các bài thơ trong tập Thơ Thiền Lý Trần là những bài thơ được sáng từ thế kỷ X đến thế kỷ XV. Đây là giai đoạn vương triều Lý - Trần cai trị cho nên được gọi là Thơ Văn Lý-Trần trong lịch sử văn học Việt Nam. Chúng tôi xin giới thiệu một vài đặc điểm lịch sử liên quan đến việc dịch mà người Đức cần phải nắm khi tiếp cận tác phẩm:

Để hiểu rõ đặc điểm thời đại Lý Trần, cần biết vị trí của nó trong dòng trải lịch sử và tình thế của đất nước trước, sau giai đoạn ấy. Giai đoạn này bắt đầu từ năm Ngô Quyền dựng nước, năm 938, đến khi Lê Lợi bắt đầu kháng chiến chống Minh, năm 1418, và trải qua cả sáu triều đại là Ngô, Đinh, Tiên Lê, Lý Trần và Hồ. Như vậy đời Lý Trần không những chỉ gồm hai triều đại Lý và Trần [6, tr. 7]. Đây là giai đoạn độc lập và tự chủ của đất nước cho nên có thể xem văn học Việt Nam giai đoạn này coi như là nền văn học độc lập, tự chủ của dân tộc [6, tr. 9].

Có một vấn đề chúng tôi muốn lưu ý khác với cách tiếp cận truyền thống của các nhà nghiên cứu văn học Lý-Trần trước đây, thường thiên về ngơi ca chiến công. Một điều hiển nhiên là đã giành lại được tự chủ đất nước thì ắt là phải lo việc giữ nước. Lật lại các trang lịch sử ta thấy, thời đại “Lý – Trần” nhiều lần chống xâm lược phương Bắc, nhưng sau chiền thắng lại tập trung giữ nước và thời gian này kéo dài trong nhiều thế kỷ. Muốn giữ được nước thì phải tập hợp được lòng dân. Điều quan trọng là chủ trương của các triều đại luôn luôn yêu chuông hòa bình hơn là chiến tranh. Trừ khi không được thì mới tiến hành chiến tranh vệ quốc. Xem bài Quốc Tộ của thiền sư Pháp Thuận chẳng hạn [6, tr. 37], ta sẽ thấy, các lần xâm lược mà Việt Nam đã phải đẩy lui quân Trung Quốc (Mông Cổ thời nhà Tống) như sau [8, tr. 576 – 578]:

  1. Lê Hoàn và Lý Thường Kiệt đẩy lui hai lần quân nhà Tống, năm 981 và 1076.
  2. Năm 1285 và 1288 nhà Trần đánh bại quân Mông Cổ năm 1258.
  3. Năm 1285 và 1288 nhà Trần đẩy lui quân nhà Nguyên vào.
  4. Năm 1417 nhà Minh xâm chiếm được Đại Việt. 1418 – 1428 Lê lợi khởi nghĩa.
Đặc điểm của thời đại này, ngoài chiến tranh chống ngoài xâm còn là thời đại thịnh hành của Phật giáo. Vai trò của Phật giáo khá mạnh trong công việc bảo vệ và xây dựng đất nước. Đời Lý – Trần cũng được biết là thời đại “tam giáo đồng nguyên” (三教同源), tức là ba đạo Phật, Nho và Lão cùng nhau tồn tại. Đây là điểm khác biệt so với văn hóa Châu Âu. Nói cách khác, nhiều tư tưởng và quan điểm triết học khác nhau có thể bổ sung cho nhau cùng tồn tại để xử lý những vần đề phức tạp của xã hội đang được triều đình phong kiến Lý – Trần vận dụng. Vì vậy về mặt chữ nghĩa có khuynh hướng sử dụng chung khái niệm tuy khác nhau về gốc. Chính điều này gây khó khăn cho người dịch nếu không nắm vững những đặc điểm trên.

Một điều gây thêm khó khăn cho người dịch là sự khác biệt giữa cấu trúc xã hội thời Lý-Trần ở Việt Nam và thời trung cổ ở Châu Âu (thế kỷ XI – XV). Trong khi ở Việt Nam “tam giáo” tồn tại một cách bình đẳng, và có sự tương tác giữa các giáo phái. Nhờ đó, nhà vua tạo sự đoàn kết cao trong xã hội. Điều khác hẳn ở Châu Âu khi cùng thời đại, nhà thờ Thiên Chúa Giáo khống chế toàn bộ xã hội trên các lĩnh vực hoạt động và thể chế nhà nước. Các giáo phái như Do Thái Giáo và Hồi Giáo ở Châu Âu, thẩm chí được coi như là kẻ thù của nhau. Những ai có quan điểm khác so với quan điểm thần học chính thức của Vatikan được coi như là kẻ dị giáo và bị trừng phạt theo luật nhà thờ.

Từ khi Imperiumn Romanum (Đế Quốc La Mã) sụp đổ toàn diện vào thế kỷ V cho đến thế kỷ XI, nhà thờ Thiên Chúa Giáo đã thành công Cơ Đốc Hóa toàn Châu Âu. Cuối thế kỷ 14 mới có sự phản kháng đối với sự cai trị của nhà thờ. Đó là khởi điểm của thời phục hưng với mục đích phục hồi văn hóa thời cổ đại và được thể hiện trong nghệ thuật cũng như nghiên cứu khoa học. Tất nhiên nhà thờ tìm mọi cách chống đối, khiên một sốn nhà khoa học và nghệ sĩ bị trừng phạt, thậm chí bị xử tử hình.

Sang thế kỷ XVI – XVII, sự xuất hiện của các nhà triết học thế hệ mới, như René Descartes (1596 – 1650, Pháp), Baruch de Spinoza (1632 – 1677, Hà Lan) chẳng hạn, đánh dấu cho sự khởi đầu của thời khai minh. Tư tưởng khai minh yêu cầu: 1. Tách rời giữa nhà nước và nhà thờ, tức là nhà thờ không còn quyền tham gia chính trị nữa và chỉ được phép hoạt động trong khuôn khổ pháp luật nhà nước cho phép, đồng thời luật nhà thờ được hạn chế và phải tuân thủ luật nhà nước; 2. Tự do nghiên cứu khoa học, tức là Khoa Thần Học và các nhà thần học không còn quyền khống chế các nhà khoa học và nhà nghiên cứu khác trong các trường Đại Học. Khoa học nói chung không còn phục vụ nhu cầu thần học của nhà thờ như trước đó; 3. Tự do nghệ thuật; 4. Đề cao quyền tự do tư tưởng và ý kiến riêng của cá nhân. Đến thế kỷ XIX những yêu cầu nêu trên mới trở thành sự thật. Một so sánh phác thảo cho thấy vấn hóa thời trung đại của phương Tây khác hẳn tinh thần hòa hợp giữa các tôn giáo ở Việt Nam. Đấy là chưa kể khi phương Tây thời khai minh tách sự ảnh hưởng của nhà thờ đối với nhà nước thì ở Việt Nam Phật giào lại tham gia vào chính trường và có vai trò không nhỏ trong công cụ bảo vệ đất nước cũng như chống ngoài xâm mà không mất đi vẻ thuần khiếp của nó

Một đặc điểm nữa của Thơ Văn Lý Trần là các nhà trước tác chủ yếu sử dụng chữ Hán khi sáng tác. Đây là tình trạng của nhiều nước ở khu vực Bắc Á ảnh hưởng văn hóa Trung Hoa đều sử dụng chữ Hán ở nhiều mức độ khác nhau. Trước thời Bắc thuộc, người Việt chưa có chữ viết riêng để ghi chép sự kiện, làm văn. Thơ ca bình dân chỉ được truyền miệng. Vì vậy muốn diễn đạt tưởng, “người Việt đã vay mượn một số từ ngữ Trung-quốc để biểu hiện những khái niệm mới.” [1, tr. 33]. Sau khi giành lại độc lập và tự chủ, người Việt mới bắt đầu sử dụng chữ Hán như Quốc ngữ dùng để sáng tác văn học và chữ Hán trở thành một phương tiện tham gia việc kiến quốc. Đặng Thai Mai viết: “Ngay cả việc vay mượn chữ Hán rồi đây sẽ là một yếu tố mới để xây dựng học thuật nước nhà. Chữ Hàn sẽ là thứ chuyển ngữ cần thiết để người Việt-nam, sau khi giành lại được quyền tự chủ, có thể học và hiểu sâu hơn đạo Phật, đạo Khổng, đạo Lão và để xây dựng nền văn học mới.” [1, tr. 33]

Dù Hán học nói chung và chữ Hán nói riêng là học thuật và chữ viết của ngọai bang đã tồn tại 1000 năm ở phía Bắc, nhưng trong ý thức, người Việt chỉ sử dụng Hán học và chữ Hán làm phương tiện để xây dựng, phát triển kinh tế, xã hội và văn hóa theo mô hình riêng và triết lý riêng của mình. Tuyệt nhiên không thể xem đấy là bị đồng hóa. Nếu biết rằng trên 60% tiếng Việt hiện nay đều có gốc từ Hán thì có thể thấy dân tộc Việt chẳng những không bị đồng hóa mà còn đồng háo ngược lại chữ viết của phương Bắc. Từ đấy có thể thấy sức đề kháng của dân tộc trước văn hóa Trung Quốc mỗi lần xâm lược Việt Nam. Người Việt thẩm chí còn dùng chữ Hán để thể hiện tinh thần dân tộc qua Thơ văn Lý Trần với ý muốn sánh ngang Trung Quốc. 南北個帝一方 (Nam Bắc các đế nhất phương) – Việt nam và Trung Quốc đều có phương trời riêng. Các vua thời “Lý Trần” đã cố gắng xây dựng đất nước theo mô hình “無逊中國“ (vô tốn Trung Quốc) – không thua kém trung Quốc [1, tr. 35]. Tinh thần này nhất quán trong quá trình sáng tạo văn chương bằng chữ Hán và biến nó trở thành công cụ hữu hiệu trong xây dựng vắn hóa Việt Nam. Nếu dịch mà không làm toát tinh thần này sẽ không thể hiện được hào khí Lý-Trần qua văn chương. Như vậy, ngoài sự hỗ trợ các công cụ thêm, người dịch cần phải hiểu sâu chư không thể máy móc đưa dữ liệu vào và nhất là phải biết so sánh để tìm ra khác biệt, tương đồng giúp cho việc lực chọn, tìm giải pháp hữu hiệu hơn.

 

 

  1. Xác định cần sử dụng những công cụ hỗ trợ việc dịch thơ thiền Lý – Trần
Ngoài những vấn đề lịch sử văn hóa nói trên, tác giả cần tham khảo các công trình nghiên cứu của các học giả nổi tiếng về giai đoạn văn học này. Trong đó phải lưu ý đến phần đánh giá liên quan đến Văn Thơ Lý Trần do Nguyễn Huệ Chi chủ biên [6]. Đây là những chỉ dẫn chuyên sâu về đối tượng giúp người dịch hiểu kỹ hơn vể tác phẩm dưới góc nhìn của nhà nghiên cứu người Việt.

Vì nội dung của thơ thiền Lý – Trần liên quan đến Phật Giáo cho nên người dịch trước hết phải có hiểu biết nhất định về lịch sử, các tông phái Phật Giáo nói chung và đặc điểm Phật Giáo Việt Nam nói riêng. Ở đây, thuật ngữ Phật Giáo gặp khá nhiều trong thơ thiền Lý – Trần nên người dịch có thể sử dụng từ điển chuyên môn như: Phật Học Từ Điển của Đoàn Trung Còn [2].

Ngoài những tài liệu căn bản về lịch sử văn hóa và từ điển tiếng Việt, người dịch cần tham khảo thêm một số tài liệu về Trung Quốc để đối chiếu, so sánh xem cách hiểu, cách dùng của hai nền văn hóa có nhiều tương đồng nhất là việc sử dụng ngôn ngữ và nền Hán học.

  1. Das chinesische Kaiserreich (Franke, Trauzettel) - Sách về lịch sử Trung Quốc từ lúc ban đầu đến hết triều Thanh (1912). [10]
  2. 辭海(Từ Hải) – Từ điển bách khoa Trung Quốc [13].
  3. 二十四史全譯(Nhị Thập Tứ Sử Toàn Dịch) – Sách 88 tập cổ điển về lịch sử Trung Quốc [14].
Để hiểu rõ từ nghĩa chữ Hán tác giả đã sử dụng:
  1. 古代漢語詞典– Cổ Đại Hán Ngữ Từ Điển [9].
  2. Hán Việt Từ Điển Trích Dẫn – trên mạng: http://www.hanviet.org/
Ngoài ra, để chuyển ngữ từ tiếng Việt sang tiếng Đức tác giả đã sử dụng các từ diển Việt – Đức, từ điển tiếng Việt cũng như từ điển tiếng Đức thông dụng. Những vấn đề nêu trên là tiền đề để tiến tới công tác chuyển ngữ tác phẩm đáp ứng được các yêu cầu đảm bảo trung thực vế nội dung, hình thức và hướng tới đối tượng tiếp nhận khác biệt văn hóa.

Cần nói rõ thêm thơ phú chữ Hán của ta đều mô phỏng theo thi pháp văn học Trung Quốc cổ nên nặng về điển cố, điên tích, mang tính ước lệ. Nên việc dịch cần phải những nguồn tham khảo khác như các tài liệu xoay quanh thi pháp văn học Trung Quốc.

  1. Tác phẩm
Dưới đây chúng tôi giới thiệu hai bài dịch mẫu là thơ thiền Lý-Trần lựa chọn, gồm nguyên bản, dịch nghĩa, bản dịch tiếng Đức, tiểu sử tác giả của tác phẩm, phân tích đơn giản tác phẩm theo những nguyên lý văn học; đồng thời chúng tôi cũng nêu lên những đặc điểm và khó khăn khi dịch tác phẩm cụ thể.

 

 

 

3.1  Ví dụ thứ nhất về vấn đề chữ nghĩa và khái niệm

Bài Quốc tộ của Thiền sư Pháp Thuận (Đỗ Pháp Thuận, 915 – 990).

Nguyên bản                                                                             Phiên âm

國祚國祚如藤絡南天裏太平

無為居殿閣

處處息刀兵

Quốc TộQuốc tộ như đằng lạcNam thiên lý thái bình

Vô vi cư điện các

Xứ xứ tức đao binh

 

 

Dịch nghĩa (Nguyễn Duy dịch):

Vận Nước

Vận nước đan xen với nhau như mây quấn

Đất trời Nam đang hưởng thái bình

Nếu triều đình thấm nhuần lẽ vô vi

Mọi nơi sẽ không còn chiến tranh

 

Bản tiếng Đức của Frank Gerke:

 

Das Schicksal der Nation[2]

Das Schicksal der Nation ist verflochten wie ein Rattannetz

Im Land unter dem südlichen Himmel herrscht Frieden

Wenn der Königshof durchdrungen ist vom Geiste des Wuwei[3]

Dann wird es keinen Krieg mehr geben

 

Để hiểu tác phẩm này, cần tham khảo thêm một số khía cạnh về cuộc đời, con người tác giả. Thiền sư Pháp Thuận (Đỗ Pháp Thuận,  法順禪師, 915 – 990) không rõ nơi sinh. Pháp Thuận là thiền sư đời thứ 10 dòng Nam Phương (南方,Vinitauci). Tác phẩm chính của Pháp Thuận là Bố Tạt hiệu sám hối văn. Tác phẩm này hiện thất truyền. Thơ Quôc Tộ là tác phẩm duy nhất của Pháp Thuận còn lại. Bấy giờ Pháp Thuận là cố vấn cho vua nên thường được gọi là Đỗ Pháp Sư. Quốc Tộ chính là câu trả lời khi Lê Đại Hành hỏi về việc làm sao giữ được an bình cho đất nước. Chắc bài thơ được làm sau năm 981, năm Lê Hoàn đẩy lui được quân nhà Tống, nhưng nguy cơ nhà Tống tái đánh sau khi bị thất bại vẫn còn lớn. Cho nên một trong những nhiệm vụ lớn của vua Lê Đại Hành là tìm cách giữ hòa bình.

Thơ được làm dưới hình thức ngũ ngôn, gồm 4 câu: 2 vần trắc, lạccác (dòng 1 và 3) và 2 vần bằng, bìnhbinh (dòng 2 và 4).

Về mặt dịch thuật có ba chỗ đáng lưu ý khi dịch bài thơ này sang tiếng Đức:

  1. 南天 (nam thiên): Nếu dịch giả dịch thẳng sang tiếng Đức theo nghĩa gốc của từ điểm thì namSüden, tức phương nam, và thiênHimmel, tức là trời, thành südlicher Himmel hoặc Himmel des Südens. Như vậy người đọc sẽ không hiểu ngay ý nghĩa của chữ thiên Nam. Trong văn bản cổ của văn học trung đại Việt Nam, thiên nam là một khái niệm không chỉ dừng lại ở ý niệm địa lý mà còn dùng chỉ cương vực lãnh thổ của Đại Việt, đối lập với phương Bắc, chỉ Trung Hoa. Nghĩa là nó đã bao hàm ý nghĩa lãnh thổ quốc gia thiêng liêng. Hơn nữa, 天(thiên) chỉ 天子 (thiên tử), tức là vua nước Nam. Trong sâu xa ý tứ của thiên tử có ý sánh ngang với thiên triều ở Trung Quóc. Khi dịch ra sang tiếng Đức là „trời nam“ không có biểu cảm. Nhưng nếu xem là lãnh thổ của một quốc gia, hơn nữa một quốc gia đang khẳng định chủ quyền độc lập thì trở nên thiêng liêng khiến cho bài thơ sang trọng. Trong một bài thơ chữ Hán của Bác Hồ: Tân xuất ngục học đăng sơn (新出裕學登山, Mới ra tù tập leo núi), có sử dụng khái niệm này: „Trông lại trời nam (nam thiên) nhớ bạn xưa.“ Trời Nam ở đây là hướng về cổ quốc. Tuy nhiên để thể hiện ý tưởng này bằng tiếng Đức rất khó. Cho nên cứ dịch ra là südlicher Himmel và làm chú thích giải thích cho độc giả người Đức hiểu ý nghĩa của nam thiên như đã nêu trên..
  2. 無為 (vô vi): Vô vi là một khái niệm triết học xuất phát từ Đạo Giáo. Sau khi Phật Giáo truyền sang Trung Quốc thì khái niệm này cũng được sử dụng chung với Phật Giáo. Theo đúng nghĩa, vô vi trong Đạo giáo là tôn trọng cái của trời đất sắp đặt, không can thiệp vào cá trật tự vận hành của tự nhiên. Đối với Phật giáo, vô vi là xóa cái Ta đi để hòa vào với tự nhiên. Các kinh Phật được dịch sang tiếng Trung để mô tả khái niệm asamskrita (Sanskrit: asamakrta, Pali: asankhata), đều giống khái niêm vô vì trong Đạo Giáo. Trong trường hợp bài thơ Quốc Tộ phân tích nguyênnghĩa của khái niệm này thích hợp.
Trong Đạo Giáo vô vi là phương pháp tu dưỡng của các bậc quân tử, nó tạo nền tảng cho cơ chế cai trị dân của nhà nước phong kiến một cách hữu hiệu. Như vậy cả Đạo và Phật giáo đều xem vô vi là cách hành xử tôn trọng cái trật tự vận hành của tự nhiên. Chương 11 của Đạo Đức Kinh có ghi:

三十輻共一轂,當其無,有車之用。- Tam thập phúc cộng nhất cốc, đương kỳ vô, hữu xa chi dụng. [12, Phần II, tr. 26] (Ba mười căm hợp lại một bầu. Chính tại chỗ trống không mới có cái dùng của xe.)

Vương Bật[4] giải thích như sau:

“轂所以能統三十輻者,無也,以其無能受物之故,故能以實統眾也。” (Cốc sở dĩ năng tổng tam thập phúc giả, vô dã, dĩ kỳ vô năng thụ vật chi cố, cố năng dĩ thực tổng chúng dã.) [12, Phần II, tr. 26] (Cái trục bánh xe là điều kiện cho sự tồn tại của 30 căm, nhưng nó không là cái gì cả, là . Cái đó là nguyên nhân của mọi thứ, nhờ nó (trục bánh xe) thì bánh xe mới vận hành quanh trục được. Đó là hình tượng để chỉ vai trò của căm xe cắm vào bánh xe. Vì vậy muốn trở thành động lực làn cho bánh xe quay, vua phải nằm ngay ở chỗ cái trục bánh xe. Dĩ nhiên tự nó không vận động được nếu không biết sắp xếp trật tự cần thiết của căm xe vào bánh xe. Đó chính là vai trò của vua phải biết hợp dân lại theo đúng việc của mỗi người để phát huy năng lực tối đa như những cái căm xe nối bánh với trục thì mới vận hành được. Đó gọi là vô vi theo quan niệm của Đạo giáo dưới cách nhìn của các bậc quân tử. Trên cơ sở tỉ dụ “bánh xe” ta có thể hiểu được câu nổi tiếng trong Đạo Đức Kinh sau đây rõ hơn nhiều:

道常無為而無不為 (Đạo thường vô vi, nhi vô bất vi.): Vương Bật giải thích 道常無為nghĩa là 順自然也(thuận tự nhiên dã), tức là “phù hợp với quy luật tự nhiên” [12, Phần II, tr. 90]. Còn 而無不為(nhi vô bất vi) theo Vương Bật giải thích có nghĩa là 萬物無不由為以治以成之也 (vạn vật vô bất do vi dĩ trị dĩ thành chi dã). Tất nhiên, như nhiều học giả trong lịch sử Trung Quốc đã từng phân tích, câu giải thích của Vương Bật có sai lầm trong câu trúc khi được truyền lại, cho nên ý nghĩa mâu thuẫn. Đáng lẽ nên sửa câu đó thành 無不為,萬物由之以治以成也 (vô bất vi, vạn vật do chi dĩ trị dĩ thành) [12, Phần II, tr. 91]. Như vậy câu mới sáng rõ là: Không có gì không hành động, do vậy mọi thứ đều được cai trị được hình thành, đúng hơn là do trời sắp đạt. Rõ ràng vô vi hoàn toàn không đồng nghĩa với “không hành động”, “không làm gì hết” như nhiều người quan niệm, mà ngược lại phải làm và hành động theo quy luật tự nhiên, đúng lúc, đúng chỗ, không tự ép mình cũng như không ép người khác thì mọi việc được hanh thông.

Một khái niệm như vậy khá rộng và khá mô hồ. Đối với tư duy chặt chẻ, mạch lạc kiểu Đức quả là một thách đố. Do đó chúng tôi không dịch sang tiếng Đức vì không có một từ giống nghĩa mà cứ để nguyên từ phiên âm từ tiếng Trung là wuwei. Từ wuwei rất quen thuộc với độc giả Đức vì sách dịch Đạo Đức Kinh và sách về Đạo Giáo khá phổ biến ở Đức. Cho nên wuwei được xem như là một từ vay mượn trong tiếng Đức. Tất nhiên chúng tôi còn chú thích thêm nội hàm của nó như đã nêu để giúp độc giả hiểu rõ về khái niệm này.

  1. 刀兵 (đao binh): Theo Từ Điển Tiếng Việt: đao binh, binh đao là gươm đao; là biểu tượng dùng để chỉ chiến tranh, gây nên sự chết chóc tàn khốc. [4, tr.67]. Câu cuối bài thơ Quốc tộ “Xứ xứ tức đao binh”được Nguyễn Duy dịch là: “Mọi nơi sẽ không còn chiến tranh”. Nhưng khái niệm chiến tranh lại hiện đại. Chữ đao binh còn hàm ý thời đại và phương thức chiến tranh cổ xưa. Cho nên dịch là chiến tranh sẽ mất đi không khí lịch sử của nó. Như vậy thay vì từ chiến tranh, ta cũng có thể sử dụng từ đao binh vàdịch là “Mọi nơi sẽ không còn đao binh” thì độc giả vẫn hiểu mà vẫn giữ được âm hưởng thơ chữ Hán. Nhưng đây là cách hiểu của người Việt còn trong tiếng Đức ta không nên dịch thẳng ra Schwerter und Soldaten (gươm và lính). Khái niệm này khó hiểu với người Đức và dễ bị chi phối bởi ý niệm về phương tiện chiến tranh mà mất đi ý nghĩa biểu tượng. Cho nên chúng tôi đang phải dịch theo Nguyễn Duy: Dann wird es keinen Krieg mehr geben“ – „Mọi nơi sẽ không còn chiến tranh” là hợp lý.
3.2  Một ví dụ về vấn đề văn hóa

 

Bài Sơn Trung Khiển Hứng của Trần Nguyên Đán (1325 – 1390)

.

Nguyên bản                                                                             Phiên âm

 

山中遣興十年政省負秋燈松下行吟倚瘦藤

隨馬望塵無俗客

叩門問字有詩僧

退閒綠野知何及

散給青苗謝不能

坐待功成名遂後

一丘老骨已崚嶒

 

Sơn Trung Khiển HứngThập niên chính tỉnh phụ thu đăngTùng hạ hành ngâm ỷ sấu đằng

Tùy mã vọng trần vô tục khách

Khấu môn vấn tự hữu thi tăng

Thoái nhàn Lục Dã tri hà cập?

Tán cấp Thanh miêu tạ bất năng

Tọa đãi công thành danh toại hậu

Nhất khâu lãi cốt dĩ lăng tằng

 

Dịch nghĩa theo Nguyễn Huệ Chị [7, tr. 181]:

 

Trong Núi Cảm Hứng

Mười năm lo việc chính sự, phụ với ngọn đèn mùa thu[5]

Dưới hàng thông, chống chiếc gậy song khẳng khiu vừa đi vừa ngâm

Không có khách tục theo ngựa ngóng bụi trần

Có vị thi tăng gõ cửa hỏi chữ

Lui về sống an nhàn ở Lục Dã[6], biết còn kịp chăng?

Chia tiền theo phép Thanh miêu[7], xin từ không dám

Ngổi đợi đến sau này công thành danh toại

Thì một nằm xương tàn đã vùi lấp thành gò cao

 

Bản tiếng Đức:

 

Inspiration auf dem Berg

Zehn Jahre in der Provinzverwaltung und um die Herbstlaterne[8]betrogen

Unter den Kiefern gehe ich gestützt auf einen dünnen Stock und rezitiere Gedichte

Kein weltlicher Gast reitet an mir vorbei und wirbelt Staub auf

Ein Mönch klopft an die Tür und bittet um ein Gedicht

Bleibt mir noch genügend Zeit, mich nach Luye[9]zurückzuziehen?

Mir entsprechend der Qingmiao-Regelung[10]Geld zu leihen, das möchte ich nicht

So sitze ich und warte auf den Erfolg und den Ruhm

Bis meine alten Knochen unter einem hohen Berg begraben sein werden

 

Trần Nguyên Đán (陳元旦) là cháu Trần Quang Khải và ông ngoại thi hào dân tộc Nguyễn Trãi. Trần Nguyên Đán sớm được bổ làm quan theo quy chế tập chức. Năm 1369 ông cũng có công dẹp loạn Dương Nhật Lễ. Vì biết nhà Trần sắp thất thủ cho nên ông về hưu sớm ở Côn Sơn. Hiện còn 51 bài thơ của ông truyền đến nay.

Bài thơ được làm dưới hình thức thất ngôn, gồm 8 câu: 5 câu vần bằng, đăng, đằng, tăng, năngtằng (dòng 1,2, 4, 6 và 8) và 3 câu vần trắc, khách, cậphậu (dòng 3, 5 và 7). Khi nhìn kỹ cách gieo vần trong các câu, thì ta biết thơ này làm đúng luật thơ Đường, tức luật bằng, thất ngôn bát cú (七言八句)[11], không có chỗ nào „khổ đọc“, nghĩa là khó đọc theo chữ dùng của Dương Quảng Hàm, không thất luật hoặc thất niêm.

Bài thơ Sơn Trung Khiển Hứng rõ ràng phản ánh tâm tạng của ông trong thời an trí. Đây là tứ thơ khá quen thuộc của các vị ẩn sĩ. Nội dung bài thơ không đề cậo đến Phật giáo. Dĩ nhiên một điều khó khăn khi dịch thơ chữ Hán là những điển tích điển cổ trong bài, chỉ các sự kiện trong lịch sử Trung Quốc cũng như những tỉ dụ trong văn học cổ Trung Hoa hiện nay không ai sử dụng nữa. Những từ đó ngay đối với độc giả Việt Nam hiện nay không có Hán học nhiều khi cũng khó hiểu. Vì vậy chuyển sang ngôn ngữ khác thì càng khó hơn. Cho nên ngoài chuyển ngữ cần phải giải thích thêm cho người đọc. Thí dụ trong bài này có những chỗ nên giải thích sau khi dịch:

  1. 秋燈 (thu đăng), nghĩa là “Ngọn đèn mùa thu”. Trong tiếng Việt hiện nay, khái niệm này không còn được sử dụng để chỉ tuổi già. Do đó cần phải giải thích thì người đọc mới hiểu. Từ này dịch thẳng ra tiếng Đức không ai hiểu gì. Nhưng cũng thể dịch nôm na là tuổi già vì mất đi cả sự tinh tế của câu chữ. Do đó sau khi dịch thẳng sang tiếng Đức Herbstlaterne (ngọn đèn mùa thu) thì chúng tôi buộc phải giải thích nghĩa của từ và nhất là cách dùng trong quá khứ của văn học cổ Việt Nam.
 
  1. 綠野 (lục dã). Trong bản dịch nghĩa Nguyễn Duy cũng chú thích lục dã là “tên ngôi nhà lúc về hưu của Bùi Độ (Trung Quốc). Về sau trở thành điển tích chỉ chốn về hưu.“ [5, tr. 132]. Trong tiếng Đức tác giả dùng từ phiên âm tiếng Trung là lue, nhưng giải thích nghĩa từ rõ hơn cho độc giả, thẩm chí còn nói rõ Bùi Độ (Pei Du) là viên quan nổi tiếng thời nhà Đường ở Trung Quốc.[12] Như vậy người đọc có thể hiểu rõ hơn lai lịch từ này và vì sao nó dùng chỉ chốn về hưu.
 
  1. Chính sách 青苗 (thanh miêu) của 王安石 (Vương An Thạch). Trong quyển Thơ Văn Lý Trần Tập III do Nguyễn Huệ Chi chủ biên có chú thích thanh miêu pháp do Vương An Thạch 王安石đời nhà Tống thi hành [7, tr. 182]. Chú thích trong quyển Thơ Thiền Lý Trần do Nguyễn Duy chủ biên lại nói Vương An Thạch là người đời nhà Đường [5, tr. 132]. Khi chúng tôi kiểm tra thì thấy có sự nhầm lẫn trong chú thích. Chú thích của Nguyễn Duy là sai. Vương An Thạch (1021-1086) thực ra là người nhà Tống. Sách về lịch sử Trung Hoa „二十四史。宋史 (Nhị Thập Tứ Sử. Tống Sử) có cả một quyển riêng viết về Vương An Thạch là 宋史卷三百二十七,列傳第八十六“ (Tống Sử Quyển Tam Bách Nhị Thập Thất, Liệt Truyền Đế Bát Thập Lục, Vương An Thạch) [15, tr. 7311 – 7329]. Trong đó ghi:
 

“二年二月,拜參知政事。(…)而農田水利、青苗、(…) 諸役相繼並興,號為新法,遣提舉官四十餘輩,頒行天下。” – Vua Hi Ninh năm thứ hai (1069) Vương An Thạch bắt đầu tham gia chính quyền. Từ đó các biện pháp như thủy lợi ruộng đất (農田水利), thanh miêu (青苗),… được áp dụng thực hiện, và được gọi là “tân pháp”. Hơn 40 công chức được cử đi khắp mọi nơi trong nước để phổ biến các biện pháp này [15, tr. 7314].

 

Về thanh miêu pháp có ghi:

 

“青苗法者,以常平糴本作青苗錢,散與人戶,令出息二分,春散秋斂。” – Thanh miêu pháp là lấy tiền mua gạo (của nhà nước) cho dân mượn vào mùa xuân. Mua đông thu lại lẫn lãi hai phần.

 

Trong bản dịch tác giả để nguyên từ „thanh miêu“, phiên âm tiếng Trung là qingmiao và thêm chú thích. Đó cách dịch chuẩn vì ở Đức không có biện pháp nào tương đương như thanh miêu pháp.

 

Như vậy, trong cách dịch có trường hợp phải chấp nhận giữ nguyên từ gốc trong văn bản và tập chú giải để người đọc vừa hiểu vừa cảm thụ được tác phẩm qua âm vang câu chữ của nó.

 

Kết Luận

 

Dịch văn nói chung và dịch thơ đời xưa nói riêng là một việc rất công phu, đòi hỏi dịch giả có nhiều kỹ năng trong nhiều lĩnh vực khác nhau, không những trong lĩnh vực ngôn ngữ. Dịch giả chẳng những nắm vững ngôn ngữ nguyên văn cũng như ngôn ngữ chuyển dịch là điều bắt buộc. Quá trình dịch chia ra hai phần: Phần chuẩn bị và phần dịch cụ thể. Khi muốn dịch thơ Lý Trần, thậm chí thơ thiền Lý Trần dịch giả phải có một kiến thức cơ bản về lịch sử, văn hóa của thời đại đó, hiểu biết tiểu sử các tác giả và bối cảnh hình thành các bài thơ. Ngoài ra, vì thơ thiền liên quan đến Phật giáo cho nên dịch giả cũng nên tìm hiểu về Phật giáo. Để có phần chuẩn bị tốt trước khi dịch dịch giả nên nghiên cứu sách sử học, sách về Phật giáo và các tài liệu liên quan đến các tác giả và thơ ma người dịch định dịch. Ngoài ra, trước khi dịch người dịch phải chuẩn bị đầy đủ phương tiện ủng hộ việc dịch như từ điển phổ thông cũng như chuyên môn liên quan đến. Khi trong quá trình dịch cụ thể người dịch gặp những vấn đề khó khăn, đó là những từ hoặc khái niệm khó hiểu và khó dịch chẳng hạn. Nhiệm vụ của dịch giả là khắc phục các điều khó khăn và „sáng tác“ bản dịch tương đối hoàn chỉnh. Người dịch văn không nên dịch một cách máy mốc mà phải luôn luôn nhớ rằng dịch văn là sự tái sáng tác một tác phẩm nghệ thuật trong một ngôn ngữ khác.

 

Tài Liệu Tham Khảo

Sách Tiếng Việt

  1. Đặng Thai Mai (1977), Mấy Điều Tâm Đắc Về Một Thời Đại Văn Học. Trong: Nguyễn Huệ Chi (Chủ biên), Thơ Văn Lý Trần, Tập I. (Xem 4.)
  2. Đoàn Trung Còn (2009), Phật Học Từ Điền. NXB Tổng Hợp Thành Phố Hồ Chí Minh.
  3. Hán Việt Từ Điển Trích Dẫn – trên mạng: http://www.hanviet.org/
  4. Hoàng Phê (Chủ biên) (2006), Từ Điển Tiếng Việt. Viện Ngôn Ngữ Học. Trung Tâm Từ Điển Học. NXB Đà Nẵng.
  5. Nguyễn Duy (Chủ biên) (2005), Thơ Thiên Lý Trần. NXB Văn Hóa Sài Gòn, Tp. Hồ Chí Minh.
  6. Nguyễn Huệ Chi (Chủ biên) (1977), Thơ Văn Lý Trần, Tập I. Ủy Ban Khoa Học Xã Hội Việt Nam. Viện Văn Học. NXB Khoa Học Xã Hội.
  7. Nguyễn Huệ Chi (Chủ biên) (1978), Thơ Văn Lý Trần, Tập III. Ủy Ban Khoa Học Xã Hội Việt Nam. Viện Văn Học. NXB Khoa Học Xã Hội.
  8. Trần Trọng Kim. (19647) Việt Nam Sử Lược. Tân Việt, Sài Gòn.
Sách Ngoại Văn
  1. 編寫組編(2003年)古代漢語詞典商務印書館。北京。(Cổ Đại Hán Ngữ Từ Điển.)
  2. Franke, Herbert / Trauzettel, Rolf (1968). Das chinesische Kaiserreich. Frankfurt a.M. (Lịch sử thời phong kiến Trung Quốc).
  3. Gerke, Frank (Hg.) (2013), Der Körper des Menschen gleicht einem Blitz. Zen-Gedichte und –Weissheiten aus Vietnam. edition pen Bd 7. Löcker Verlag, Wien. (Thân Như Điện Ảnh. Thơ Thiền Việt Nam).
  4. 老子(2008年),老子道德經注校釋/ (魏)王弼注;樓字烈校釋。中華書局,于北京。(Lão Tử Đạo Đức Kinh/ Vương Bật chú thích thời Triều Ngụy).
  5. 縮印本(1989年版)辭海。上海辭書出版社。(Từ Hải.)
  6. 許嘉璐(主編)/ 安平秋(副主編)(1991 - 2004),二十四史全譯(88冊)。世紀出版集團,漢語大詞典出版社,于上海。 (Nhị Thập Tứ Sử Toàn Dịch. 88 Tập)
  7. 許嘉璐(主編)/ 安平秋(副主編)(2004),二十四史全譯。宋史第11冊。世紀出版集團,漢語大詞典出版社,于上海。 (Nhị Thập Tứ Sử Toàn Dịch. Tống Sử Tập 11.)
 

[1] “Thân như điện ảnh” là câu trong bài thơ…

[2] Ein anderer Titel des Gedichts lautet „Antwort auf die Frage des Königs nach dem Schicksal der Nation“.

[3] Wuwei (vietn. Vô vi) ist ein Fachbegriff aus dem Daodejing des Laozi, der eine Lebenshaltung im vollen Einklang mit der Natur bezeichnet. Dieser Begriff wurde von den chinesischen Buddhisten bei der Übersetzung der Sutren verwendet für den Begriff „Asamskrita“ (auch asamakrta in Sanskrit bzw. asankhata in Pali), der eine unbeeinflußte, nicht von temporären Komponenten hervorgerufenen Geisteshaltung bezeichnet, die über dem Kreislauf von Leben und Tod steht. Er hat dieselbe Bedeutung wie „Nirvana“.

[4] Vương Bật (王弼, 226 – 249), nhà triết học, huyền học, đời Tam Quốc ở nước Ngụy. Tác phẩm chính gồm 周易注 (Chu Dịch Chú), 周易略列 (Chu Dịch Lược Liệt), 老子注 (Lão Tử Chú) và 老子指略 (Lão Tử Chỉ Lược) [13, tr. 1346].

[5] Thu đăng: ngọn đèn mùa thu, chỉ tuổi già.

[6] Lục Dã: Tên ngôi nhà lúc về hưu của Bùi Độ (Trung Quốc), điển tích chỉ chốn về hưu.

[7] Thanh miêu: mạ xanh – Vương An Thạch (đời Đường, Trung Quốc) đặt ra: khi gặt phải trả cả vốn lẫn lãi – ý chỉ không muốn lao vào quan tướng nữa.

[8] “Herbstlaterne” bezeichnet das Alter.

[9] Luye: Name des Hauses in Luoyang, China, in dem sich Pei Du (765-627), ein staatstreuer Beamter in der Tang-Zeit (618-907), zur Ruhe gesetzt hat, eine Metapher für „in Rente gehen“.

[10] Qingmiao: Grüne Reissetzlinge. Der chinesische Politiker Wang Anshi (1021-1086) der Nördlichen Song-Dynastie (960-1127), hat die so genannte „Qingmiao“-Regel (Regel der grünen Reissetzlinge) im Jahre 1069 als eine der Massnahmen zur Reform des Finanzwesens eingeführt. Der „Qingmiao“-Regel zufolge konnten die Bauern jedes Jahr im Sommer und im Herbst, wenn also der Reis auf den Feldern noch grün war, vom Staat einen Kredit in Form von Geld oder Nahrungsmitteln erhalten. Damit sollte vermieden werden, daß die Menschen zwischen den Ernten Hunger leiden würden. Nach erfolgter Ernte mußte der Kredit einschließlich geringer Zinsen wieder zurückgezahlt werden. Im Jahre 1086 wurde die „Qingmiao“-Regel wieder abgeschafft. Hier wird angedeutet, daß der Dichter nichts mehr mit den Staatsgeschäften zu tun haben will.

[11] Thơ Đường có luật bằng trách với vần bằng hoặc trắc ở chữ cuối câu. Thi sĩ có thể chọn làm thơ theo luật bằng, như trong bài thơ Sơn Trung Khiển Hứng với vần bằng đã nêu, hoặc theo luật trắc khi gieo vần trắc thay vì vqần bằng ở những chữ cuối cần phải giao vần đúng luật.

[12] Bùi Độsinh năm 765, mất năm 839 là viên quan phục vụ chung thủy các vị vua Hiến Tông (憲宗), Mục Tông (穆宗, là con trai Hiến Tông) và các vua là cháu của Hiến Tông là Kíng Tông (敬宗)và Văn Tông (文宗). Dù Bùi Độ là quan văn, ông còn nổi tiếng vì là nhà chiến thuật giỏi.

TS. Frank Gerke

Góp ý
Các tin liên quan